Thông báo 10/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 10/TB-VPCP
Ngày ban hành 12/01/2010
Ngày có hiệu lực 12/01/2010
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 10/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2008/NQ-CP NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỪNG BƯỚC KHẮC PHỤC ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Ngày 28 tháng 12 năm 2009, tại Trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an, đại diện lãnh đạo Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe đaị diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh theo nội dung tại Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và đại diện lãnh đạo các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng trung Hải đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và sáng tạo trong việc triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Thành phố đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về Luật Giao thông đường bộ, về văn hoá giao thông; tăng cường công tác tổ chức giao thông, quản lý kiểm tra, kiểm soát, giải toả ùn tắc giao thông, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông và đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng của Thành phố.

Chính phủ biểu dương và đánh giá cao các nỗ lực của tập thể lãnh đạo Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các Sở, ban, ngành cùng toàn thể nhân dân thành phố. Hiện nay, việc kéo giảm và chống ùn tắc giao thông là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tác động tích cực đến việc phát triển bền vững của cả nước nói chung và của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả đạt được còn chưa bền vững và tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chỉ đạo thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục theo 04 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ và Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ.

II. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Đồng ý cơ bản với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố cần từng bước cụ thể hoá thành các chỉ tiêu hàng năm để thực hiện và lưu ý tập trung chỉ đạo các nội dung sau:

a) Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, nhất là Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức: qua thông tin truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình, chương trình giảng dạy trong nhà trường, các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan; các hình thức trao đổi tọa đàm, hội thảo; thực hiện việc cam kết không lấn chiếm hè phố, lòng đường để tạo được sự cảm thông và đồng thuận của xã hội trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.

b) Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông

- Tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm đỗ, dừng phương tiện trên hè phố, lòng đường không đảm bảo điều kiện; xoá bỏ các điểm trông giữ phương tiện ảnh hưởng đến giao thông;

- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường, nhất là ứng dụng các biện pháp kiểm tra, xử lý tiên tiến thông qua hình ảnh, camera;

- Các lực lượng chức năng phối hợp, duy trì thường xuyên việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hoá đường bộ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông;

- Xử lý nghiêm các phương tiện giao thông đi ngược chiều, không đúng làn đường, đi lấn làn đường của các phương tiện khác; đỗ, dừng phương tiện không đúng quy định... Lập các tổ công tác kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi đỗ xe không đúng quy định, trước mắt tập trung xử lý tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

c) Tiếp tục thực hiện tổ chức giao thông tại các điểm, nút giao thông, tuyến đường cho phù hợp, hiệu quả

- Tiếp tục khảo sát các điểm, nút giao thông thường xuyên có nguy cơ ùn tắc; xác định nguyên nhân, có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể, phù hợp. Bổ sung, duy trì các vạch sơn, gờ giảm tốc, đèn báo hiệu cho người đi bộ ở các tuyến đường, phố có đủ điều kiện, chú trọng các tuyến đường hướng tâm vào thành phố, đường có lưu lượng giao thông lớn, nhiều nút giao cắt...;

- Tổ chức các cặp đường một chiều đồng bộ với phân luồng, phân làn phương tiện trên một số tuyến phố; rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo giao thông theo đúng quy đinh;

- Bố trí tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng khác hướng dẫn giao thông tại các vị trí thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

d) Về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị

- Trên cơ sở các Quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, như Quy hoạch hệ thống giao thông vân tải thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Quy hoạch các bãi đậu xe ngầm, Quy hoạch hệ thống đường trên cao..., Thành phố cần có kế hoạch và tiến độ cụ thể để hoàn thành các công trình theo quy hoạch. Bên cạnh đó, cần xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực, xã hội hoá để đảm bảo hoàn thành sớm các công trình, đưa vào sử dụng nhằm chống ùn tắc giao thông. Thành phố cũng cần bố trí đủ vốn để thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư (lập dự án đầu tư, thiết kế,...) để tăng tính chủ động khi thực hiện các dự án theo quy hoạch, cũng như trong việc lựa chọn Nhà đầu tư;

- Lập danh mục các dự án giao thông đô thị cấp bách cần thực hiện để chống ùn tắc giao thông; có đề xuất về nguồn vốn, cơ chế đặc thù (chỉ định thầu; vừa thiết kế, vừa thi công; khởi công khi đang làm thủ tục cấp Giấy phép đầu tư,...) để có thể rút ngắn thời gian thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

- Về điều chỉnh nội dung Quy hoạch hệ thống đường bộ trên cao tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020: giao Uỷ ban nhân dân Thành phố làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vân tải, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

đ) Về phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

- Đẩy nhanh việc xã hội hoá trong công tác đầu tư cải tạo, xây dựng bế bãi đậu xe; bố trí vốn để sớm đầu tư xây dựng các bãi trung chuyển, bãi hậu cần phục vụ xe buýt,... Nghiên cứu xã hội hoá đầu tư hệ thống thu phí tự động tại các chỗ đậu xe;

- Hiện đại hoá phương tiện xe buýt trong đô thị theo hướng bố trí xe có kích cỡ phù hợp với các tuyến đường lưu thông, lựa chọn động cơ và sử dụng các nhiên liệu than thiện với môi trường như khí LPG, CNG…, tăng các tiện ích tạo thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng xe buýt, đa dạng mẫu mã các loại xe để tăng mỹ quan đô thị. Đối với các vị trí có công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường cần chủ động điều chỉnh kịp thời để tăng tốc độ lưu thông tại các khu vực này;

- Có biện pháp kiểm soát số lượng phương tiện taxi hoạt động, quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt đông, rút Giấy phép hoạt động taxi trên địa bàn thành phố trong thời gian tới để nâng cao chất lượng phục vụ;

[...]