Quyết định 546/QĐ-NHPT năm 2007 phê duyệt Đề án cho vay thí điểm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước do Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam ban hành

Số hiệu 546/QĐ-NHPT
Ngày ban hành 22/10/2007
Ngày có hiệu lực 22/10/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng phát triển Việt Nam
Người ký Nguyễn Quang Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 546/QĐ-NHPT

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHO VAY THÍ ĐIỂM NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ VÀ TÍN DỤNG XUẤT KHẨU CỦA NHÀ NƯỚC

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

Căn cứ:
- Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;
- Quyết định số 110/2006/QĐ-TTg ngày 19/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT);
- Thông tư số 69/2007/TT-BTC ngày 25/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;
- Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với NHPT ngày 03/10/2007 (Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 16/10/2007 của Văn phòng Chính phủ) và ý kiến luận của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại buổi làm việc với NHPT (Thông báo số 254/TB-BTC ngày 2/7/2007 của Bộ Tài chính).
- Chiến lược phát triển hoạt động của NHPT đến năm 2010 và 2015, tầm nhìn đến năm 2020;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Kế hoạch tổng hợp và Trưởng Ban Nguồn vốn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án cho vay thí điểm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (kèm theo).

Điều 2. Cho triển khai thực hiện Đề án từng bước, đảm bảo an toàn vốn, tăng nguồn thu, tự bù đắp dần chi phí, giảm cấp bù của ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở thực hiện thí điểm, xây dựng cơ chế trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời hạn thực hiện thí điểm: 12 tháng.

Điều 3. Giao nhiệm vụ cho các đơn vị:

1. Giám đốc Chi nhánh đăng ký kế hoạch cho vay thí điểm với Hội sở chính. Sau khi được Tổng Giám đốc phê duyệt danh sách thực hiện thí điểm, Giám đốc Chi nhánh tổ chức giới thiệu cơ chế cho vay thí điểm, chịu trách nhiệm toàn diện trước Tổng Giám đốc về việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ vay vốn, quyết định cho vay, thu hồi đầy đủ nợ vay.

2. Ban Nguồn vốn tính toán trình Tổng Giám đốc quyết định và thông báo lãi suất cho vay từng thời kỳ cho các Chi nhánh để thực hiện. Chịu trách nhiệm đảm bảo về nguồn vốn của NHPT để thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư (TDĐT), tín dụng xuất khẩu (TDXK) của Nhà nước và nguồn vốn ổn định thực hiện Đề án.

3. Ban Kế hoạch tổng hợp xây dựng chế độ báo cáo thống kê trình Tổng Giám đốc ban hành, hướng dẫn các Chi nhánh thực hiện; Tổng kết tình hình thực hiện Đề án; Chủ trì xây dựng cơ chế báo cáo Tổng Giám đốc để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trung tâm Công nghệ thông tin xây dựng hệ thống phần mềm và hướng dẫn các Chi nhánh triển khai, đảm bảo tin học hoá công tác quản lý, cho vay thí điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý kịp thời, thông suốt và chính xác số liệu.

4. Ban Tín dụng địa phương, Ban Tín dụng trung ương, Ban Tín dụng xuất khẩu, Ban Thẩm định hướng dẫn, theo dõi, quản lý việc thực hiện Đề án của Chi nhánh, kịp thời báo cáo với Tổng Giám đốc những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp để giải quyết.

5. Ban Tài chính kế toán hướng dẫn về cơ chế tài chính và hạch toán kế toán đối với cho vay thí điểm trình Tổng Giám đốc quyết định.

6. Ban Tổ chức cán bộ, Ban Thi đua Khen thưởng phối hợp đề xuất với Tổng Giám đốc khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong việc tổ chức thực hiện Đề án.

7. Ban Kiểm tra nội bộ chịu trách nhiệm tổ chức công tác kiểm tra quá trình thực hiện trong hệ thống, phát hiện và đề xuất giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm thực hiện được mục tiêu của Đề án, đảm bảo an toàn vốn của NHPT.

8. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc NHPT tổ chức tốt việc thực hiện Đề án, đồng thời không được để ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ TDĐT và TDXK của Nhà nước đã được giao.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc NHPT chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Hội đồng quản lý (để báo cáo);
- TGĐ,các PTGĐ;
- Như Điều 5;
- Lưu: VP, KHTH.

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Quang Dũng

 

ĐỀ ÁN

CHO VAY THÍ ĐIỂM NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ VÀ TÍN DỤNG XUẤT KHẨU CỦA NHÀ NƯỚC

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Để phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn phải tìm kiếm/huy động vốn từ nhiều nguồn với nhiều hình thức khác nhau; trong đó có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM), huy động qua phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) hoặc vay các nguồn khác. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể huy động được từ các nguồn vốn này. Nhiều doanh nghiệp, mặc dù đang vay vốn tín dụng đầu tư (TDĐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK) cũng gặp tạm thời thiếu vốn (vốn đầu tư hoặc vốn sản xuất ban đầu...), ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án, hiệu quả xuất khẩu, hạn chế khả năng phát triển của doanh nghiệp; thực tế đã có rất nhiều dự án, kể cả các dự án trọng điểm của Chính phủ về xi măng, thép, phân bón... do thiếu vốn đã phải chậm tiến độ đầu tư (VD: Xi măng Thăng Long, Xi măng Hạ Long, Phân bón DAP...); vấn đề này phản ánh nhu cầu bức thiết về vốn của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp vay vốn TDĐT và TDXK của Nhà nước.

- Nguồn kinh phí hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) hiện tại hầu như dựa vào cấp phí quản lý từ ngân sách nhà nước (NSNN); hoạt động cho vay được NSNN bù lỗ (bù chênh lệch lãi suất (CLLS)) do lãi suất cho vay bình quân theo chính sách của Nhà nước thấp hơn lãi suất huy động bình quân. Trong điều kiện quy mô TDĐT và TDXK ngày càng lớn thì nhu cầu cấp phí quản lý và bù CLLS cũng ngày càng tăng, làm gia tăng gánh nặng NSNN (bình quân trong giai đoạn 2001-2006 số cấp bù CLLS và phí quản lý tăng với tốc độ 1,4 lần/năm; dự tính số cấp bù CLLS và phí quản lý năm 2007 sẽ lên tới trên 1.000 tỷ đồng). Thực tế này đặt ra nhu cầu bức thiết phải mở rộng hoạt động của hệ thống NHPT theo hướng đa năng, đa dạng các hình thức tài trợ, góp phần tiến tới dần tự bù đắp một phần chi phí hoạt động, giảm gánh nặng cho NSNN. Đây cũng là mục tiêu NHPT đặt ra trong Kế hoạch phát triển hoạt động của NHPT đến năm 2010 và năm 2015, định hướng đến năm 2020 và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính nhất trí cho phép tại Thông báo số 254/TB-BTC ngày 2/7/2007, được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tại buổi làm việc với NHPT ngày 03/10/2007 (Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 16/10/2007 của Văn phòng Chính phủ).

- Bên cạnh đó, tính kế hoạch hoá về nguồn vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay (đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn TDĐT của Nhà nước) chưa cao dẫn đến luôn có sự chênh lệch về thời điểm giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, phát sinh một lượng vốn tạm thời chưa sử dụng. Đối với số vốn tạm thời chưa sử dụng này, NHPT phải tự bù đắp chi phí trả lãi trong khi nhiều Chủ đầu tư hoặc khách hàng vay vốn thực hiện các dự án đầu tư/hợp đồng xuất khẩu đủ điều kiện vay vốn TDĐT và TDXK (hoặc đã/đang vay vốn TDĐT và TDXK) nhưng gặp khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn khác để thu xếp đủ vốn thực hiện dự án đầu tư/hợp đồng xuất khẩu, gây ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả của dự án/khoản vay và khả năng hoàn trả nợ vay. Thực trạng này phản ánh tính cấp thiết về việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi, tăng thu nhập để góp phần bù đắp chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý của NHPT.

[...]