Công văn số 4000/TCT-KK về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Công ty TNHH Vĩnh Thịnh do Tổng cục Thuế ban hành
Số hiệu | 4000/TCT-KK |
Ngày ban hành | 22/10/2008 |
Ngày có hiệu lực | 22/10/2008 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Người ký | Phạm Văn Huyến |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thương mại,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4000/TCT-KK |
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2008 |
Kính gửi: Cục thuế tỉnh Thái Bình.
Trả lời công văn số 970/CT-THDT ngày 09/6/2008 và công văn số 1600/CT-THDT ngày 25/7/2008 của Cục Thuế tỉnh Thái Bình về việc hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Công ty TNHH Vĩnh Thịnh, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về hợp đồng xuất khẩu:
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 thì: "Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương";
Căn cứ quy định tại Điều 408 Bộ Luật dân sự năm 2005 về phụ lục hợp đồng:
"1. Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung có điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi"
Do vậy, trường hợp Công ty TNHH Vĩnh Thịnh thực hiện mua bán hàng hoá với khách hàng nước ngoài và có thực hiện ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hoá bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương thì trường hợp mua bán quốc tế này được xác định thực hiện đúng quy định của Luật Thương mại năm 2005 nêu trên; Trường hợp Sau khi hàng hoá đã xuất khẩu theo hợp đồng, hai bên mới ký phụ lục hợp đồng thì các điều khoản trong phụ lục hợp đồng thoả thuận về những nội dung (đã thoả thuận trước đây tại hợp đồng) chưa được thực hiện vẫn có hiệu lực pháp lý.
2. Về chứng từ thanh toán qua ngân hàng:
Theo hướng dẫn tại Điểm 1.2 (d3), Mục III, Phần B Thông tư số 32/2007/TT-BTC ngày 9/4/2007 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003, Nghị định số 148/2004/NĐ-CP ngày 23/7/2004 và Nghị định số 156/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, thì hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn sau đây: "Hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng. Thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng. Chứng từ thanh toán tiền là giấy Báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu".
Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá cho khách hàng Trung Quốc, trong hợp đồng (hoặc phụ lục hợp đồng) quy định phương thức thanh toán biên mậu bằng hối phiếu ngân hàng thì chứng từ thanh toán là giấy báo Có (Thư thông báo hối phiếu ngân hàng thanh toán biên mậu; Lệnh chuyển Có đến hoặc Phiếu chuyển khoản của ngân hàng bên xuất khẩu, phù hợp với hợp đồng (hoặc phụ lục hợp đồng) và Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc thì hình thức thanh toán này được coi là thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hoá xuất khẩu theo quy định.
Trường hợp trong phụ lục hợp đồng, các bên đã thoả thuận về việc uỷ quyền cho bên thứ ba thanh toán, nhưng người thanh toán trên thực tế là Giám đốc doanh nghiệp bên mua phía nước ngoài - người đại diện bên mua trực tiếp ký hợp đồng cũng như phụ lục hợp đồng; đồng thời hai bên đã có biên bản đối chiếu công nợ, trong đó có chứng từ thanh toán qua ngân hàng có liên quan, có xác nhận của ngân hàng hai bên về nội dung chuyển tiền là cho hợp đồng có liên quan thì chấp nhận trường hợp thanh toán này đủ điều kiện để được hoàn thuế.
Trường hợp bên thứ ba là cá nhân ở nước ngoài trực tiếp thanh toán qua ngân hàng thì Cục Thuế đề nghị Công ty lấy xác nhận bằng văn bản của ngân hàng nơi phát sinh chứng từ thanh toán về việc người thanh toán là người được uỷ quyền ghi theo phụ lục hợp đồng. Trên cơ sở đó Cục Thuế xem xét tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ thanh toán cho hàng xuất khẩu của việc thanh toán qua ngân hàng đó có đúng và phù hợp thanh toán cho hàng hoá xuất khẩu của Công ty để xem xét hoàn thuế theo quy định.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Thái Bình biết và thực hiện./.
|
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |