Chỉ thị 17/2005/CT-UBND về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 17/2005/CT-UBND
Ngày ban hành 22/12/2005
Ngày có hiệu lực 22/12/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Thanh Trung
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/2005/CT-UBND

Mỹ Tho, ngày 22 tháng 12 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2006.

Căn cứ Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 63/2005/NQ-HĐND ngày 07/12/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về dự toán ngân sách nhà nước năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 64/2005/NQ-HĐND ngày 07/12/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2006;
Căn cứ Thông tư số 100/2005/TT-BTC ngày 17/11/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2006;
Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ban ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị (gọi chung là huyện), Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước năm 2006 với các nội dung như sau:

1. Năm 2006 là năm cuối của thời kỳ ổn định giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (2004-2006). Trong thời kỳ ổn định ngân sách thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, giữa ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã; ổn định số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện và từ ngân sách cấp huyện cho ngân sách cấp xã; địa phương sử dụng nguồn thu được hưởng theo phân cấp và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình đã được phân cấp.

Nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Công tác quản lý, hạch toán các khoản thu, chi ngân sách từ nguồn thu tiền đấu giá sử dụng đất phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Phân bổ và giao dự toán ngân sách:

2.1. Phân bổ và giao dự toán thu ngân sách:

- Các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách năm 2006 cho các đơn vị trực thuộc, Uỷ ban nhân dân cấp xã, trong đó, phấn đấu mức thu vượt 10% mức dự toán thu ngân sách Uỷ ban nhân dân tỉnh giao;

- Việc phân bổ và giao dự toán thu ngân sách phải trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2005 và giai đoạn 2001-2005; căn cứ các Luật thuế, các chế độ chính sách thu; mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ cụ thể của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh; yêu cầu thực hiện các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, gian lận thương mại, chống nợ đọng thuế.

2.2. Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách:

a) Phân bổ giao dự toán chi đầu tư phát triển phải đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau:

- Bố trí dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được giao để hoàn trả đủ các khoản ngân sách đã ứng trước phải thu hồi vào dự toán năm 2006; nợ đến hạn, bao gồm: khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thuỷ sản; nợ khối lượng xây dựng cơ bản của các công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách theo chế độ quy định, kể cả các khoản nợ vay đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách đến hạn phải trả.

- Bố trí đảm bảo vốn đối ứng cho các công trình, dự án sử dụng vốn ODA.

- Sau khi bố trí vốn để thực hiện những nhiệm vụ trên mới bố trí vốn cho những dự án, công trình khởi công mới. Đối với các dự án, công trình khởi công mới phải đảm bảo đầy đủ thủ tục đầu tư, đảm bảo nguồn thực hiện theo chế độ quy định.

- Bố trí đúng mục tiêu, dự toán đối với những công trình, dự án, nhiệm vụ do nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu.

b) Phân bổ, giao dự toán chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Phân bổ dự toán chi ngân sách 2006 đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ không được thấp hơn mức dự toán chi Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao

- Đối với các lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, sự nghiệp y tế, sự nghiệp văn hoá thông tin, sự nghiệp kinh tế, quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể (kể cả chi cải cách tiền lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ):

+ Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ chế độ chính sách chi ngân sách, khối lượng nhiệm vụ của từng lĩnh vực, yêu cầu thực tế của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ và giao dự toán cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

+ Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn căn cứ chế độ chính sách chi ngân sách, nhiệm vụ của từng lĩnh vực, yêu cầu thực tế của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ và giao dự toán trên các lĩnh vực.

- Bố trí đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách, các nhiệm vụ từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương và nguồn cân đối ngân sách địa phương theo quy định.

3. Về bố trí ngân sách và thực hiện cơ chế tài chính tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2006 thực hiện theo Thông tư số 89/2005/TT-BTC ngày 13/10/2005 của Bộ Tài chính, cần chú ý các nội dung chủ yếu sau:

- Các huyện, thành, thị trong phân bổ giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và ngân sách cấp xã phải xác định và giao nhiệm vụ tiết kiệm 10% chi thường xuyên của đơn vị năm 2006 tăng thêm so 2005 đã giao, không thấp hơn mức tiết kiệm để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Ngân sách cấp huyện, xã quản lý tập trung nguồn 10% tiết kiệm của các cơ quan đơn vị thuộc ngân sách cấp mình (không kể các đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ và cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ) để thực hiện điều hòa chung giữa các đơn vị khi xác định nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của từng cơ quan đơn vị thuộc ngân sách cấp mình.

Các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các cấp sử dụng 50% tăng thu ngân sách dự toán năm 2006 so dự toán năm 2005 được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao (không kể số tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) để thực hiện cải cách tiền lương và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 và Nghị định số 119/2005/NĐ-CP ngày 13/10/2005 của Chính phủ.

Số kinh phí còn dư sau khi đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ trong năm 2006 (nếu có) từ các nguồn: 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể số tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dự toán năm 2005 so dự toán năm 2004 được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể số tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm 2005 so với dự toán năm 2005 được giao; 10% tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương, có tính chất lương) dự toán chi năm 2005 tăng so dự toán năm 2003; 40% số thu sự nghiệp được để lại theo chế độ năm 2006 (riêng ngành y tế 35%, sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất) của các cơ quan, đơn vị sau khi trừ đi số đã sử dụng để thực hiện tiền lương tăng thêm theo mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 và hệ số lương quy định tại Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ theo biên chế năm 2006; nguồn để thực hiện tiền lương tăng thêm năm 2005 chưa sử dụng hết chuyển sang; số dự kiến đã bố trí hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong năm 2006 để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Sau khi thực hiện các biện pháp nêu trên mà không đủ nguồn thì ngân sách tỉnh hỗ trợ để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2006. Trường hợp nguồn thực hiện cải cách tiền lương xác định theo các quy định trên của đơn vị dự toán ngân sách các cấp và ngân sách các cấp chính quyền địa phương lớn hơn nhu cầu chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, tiếp tục chuyển nguồn này sang năm sau để tạo nguồn cải cách tiền lương, không sử dụng cho các mục tiêu khác.

4. Bố trí dự phòng ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, không thấp hơn mức dự phòng đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao để chủ động thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dự phòng thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người theo Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Trường hợp Hội đồng nhân dân quyết định dự toán thu ngân sách cao hơn mức cấp trên giao, thì dự toán chi tăng thêm (không kể tăng chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dành tối thiểu 50% thực hiện cải cách tiền lương; 50% còn lại bố trí phần lớn bổ sung dự phòng ngân sách địa phương để chủ động trong quá trình điều hành ngân sách, thực hiện những nhiệm vụ, chế độ, chính sách quan trọng được cấp có thẩm quyền quyết định và xử lý thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo chế độ quy định.

[...]