Báo cáo 01/BC-HĐND năm 2017 về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu nhiệm kỳ đến cuối năm 2016

Số hiệu 01/BC-HĐND
Ngày ban hành 01/03/2017
Ngày có hiệu lực 01/03/2017
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Quận Phú Nhuận
Người ký Trịnh Xuân Thiều
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/BC-HĐND

Phú Nhuận, ngày 01 tháng 03 năm 2017

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN QUẬN TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ ĐẾN CUỐI NĂM 2016

Thực hiện Kế hoạch số 48/KH-HĐND-VP ngày 17/02/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về tổ chức khảo sát hoạt động Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn, Hội đồng nhân dân (HĐND) quận báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân quận từ đầu nhiệm kỳ đến cuối năm 2016 như sau:

I. Tình hình tổ chức của Hội đồng nhân dân quận, phường

1. Đặc điểm tình hình chung của địa phương

Quận Phú Nhuận là một quận nội thành, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 4,7 km về hướng Tây Bắc; có diện tích tự nhiên 4,8634 km2, được chia thành 15 phường với dân số 182.478 người. Cộng đồng dân cư Phú Nhuận gồm các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm[1] và nhiều tôn giáo: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Tin lành, Cao đài...

Tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của quận trong những năm qua tiếp tục phát triển, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá; an sinh xã hội đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng được giữ vững[2]...

Với vị trí thuộc cửa ngõ phía Bắc của thành phố Hồ Chí Minh, quận Phú Nhuận có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với các quận khác, cũng như có cơ hội để phát triển toàn diện hơn.

Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn quận nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường, áp lực cạnh tranh, tín dụng, năng lực quản trị nên một số đơn vị chưa mạnh dạn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh... phần nào đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập, việc làm của người lao động và đời sống của nhân dân; nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn ít; trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn phức tạp; công tác quản lý trong một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế; năng lực của đội ngũ cán bộ công chức chưa đồng đều....đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và chung sức của các tầng lớp nhân dân nhằm chủ động khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của quận nhà trong tương lai.

2. Tình hình tổ chức của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND quận (số lượng đại biểu chuyên trách)

2.1. Đại biểu Hội đồng nhân dân quận

Tổng số đại biểu HĐND quận được bầu trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 là 40 đại biểu (kết quả bầu cử đủ số lượng)[3], đến nay, vẫn đảm bảo đủ số lượng hoạt động. Số đại biểu hoạt động chuyên trách là 4 (2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và 02 Phó ban)[4].

2.2. Thường trực HĐND quận

Thường trực HĐND gồm 5 thành viên, trong đó: Chủ tịch HĐND quận là Bí thư Quận ủy hoạt động kiêm nhiệm, 1 Phó Chủ tịch là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy hoạt động chuyên trách, 1 Phó Chủ tịch là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận hoạt động chuyên trách và 2 Ủy viên Thường trực hoạt động kiêm nhiệm (Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra và Trưởng Ban Dân vận)[5].

2.3. Các Ban của HĐND quận

Hội đồng nhân dân quận có 2 Ban, Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - xã hội.

- Ban Pháp chế có 9 thành viên, Trưởng ban là Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy hoạt động kiêm nhiệm, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách và 7 thành viên hoạt động kiêm nhiệm[6].

- Ban Kinh tế - Xã hội có 9 thành viên, Trưởng ban là Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy hoạt động kiêm nhiệm, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách và 7 thành viên hoạt động kiêm nhiệm.

Nhân sự thành viên 2 Ban của HĐND quận đều là những đại biểu có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với hoạt động của Ban, giữ các vị trí chủ chốt của quận và phường; có khả năng tham gia xây dựng chính sách và công tác giám sát, khảo sát của Ban, cũng như góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cho hoạt động của 2 Ban.

HĐND quận có 15 tổ đại biểu tương ứng với 15 phường[7]. Qua 4 đợt tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu đã thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định, ghi nhận, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và thường xuyên thông tin, liên hệ, trao đổi với Thường trực HĐND quận.

II. Hoạt động của Hội đồng nhân dân quận

1. Thực hiện chức năng quyết định của Hội đồng nhân dân

1.1. Công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND quận đã tổ chức 3 kỳ họp.

- Kỳ họp thứ Nhất[8] có nội dung trọng tâm là công tác nhân sự của HĐND, UBND và Hội thẩm nhân dân (với 10 Nghị quyết được ban hành).

- Kỳ họp thứ Hai[9], kỳ họp đầu tiên sau khi ổn định công tác tổ chức và chính thức hoạt động đã tập trung các vấn đề quan trọng của địa phương về kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền...cũng như các quy định về hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ (với 9 Nghị quyết được ban hành); bước vào nhiệm kỳ mới, HĐND quận cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương trong 5 năm (2016- 2021), tương ứng với nhiệm kỳ hoạt động của HĐND.

- Kỳ họp thứ Ba[10], kỳ họp thường lệ của HĐND quận có nội dung trọng tâm là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2017 (với 5 Nghị quyết được ban hành).

Nhìn chung, công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp được Thường trực HĐND, hai Ban và Văn phòng HĐND - UBND quận chuẩn bị chu đáo, tập trung nâng cao chất lượng các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình HĐND; đảm bảo đúng thời hạn, thẩm quyền, quy trình, thủ tục quy định; rút ngắn thời gian đọc văn bản tại Hội trường (ngoài việc chuẩn bị báo cáo đầy đủ gửi trước để đại biểu nghiên cứu, cơ quan trình phải có báo cáo tóm tắt tại kỳ họp).

[...]