Xử phạt hành chính như nào với thẩm mỹ viện hoạt động trái phép?

Xử phạt hành chính như nào với thẩm mỹ viện hoạt động trái phép? Thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không? Chào Luật sư, tôi có vấn đề này cần được giải pháp ạ. Hiện nay nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày càng nâng cao nên những thẩm mỹ viện cũng mọc lên như nấm. Thẩm mỹ viện giờ nhiều đến mức như đồ trôi nổi ngoài chợ nên cái việc có giấy phép hoạt động hay không nó cũng là một vấn đề. Tôi thấy những phốt liên quan đến thẩm mỹ bị lỗi thường là bắt nguồn từ những thẩm mỹ viện không có giấy phép, vậy cho tôi hỏi nếu không có giấy phép thì thẩm mỹ viện sẽ bị xử phạt như nào ạ?

Nội dung chính

    Xử phạt hành chính như nào với thẩm mỹ viện hoạt động trái phép?

    Căn cứ theo Khoản 4 và Khoản 7 Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP có quy định hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

    4. Phòng khám chuyên khoa, bao gồm:

    a) Phòng khám nội tổng hợp;

    b) Phòng khám chuyên khoa thuộc hệ nội: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác thuộc hệ nội;

    c) Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông;

    d) Phòng khám chuyên khoa ngoại;

    đ) Phòng khám chuyên khoa phụ sản;

    e) Phòng khám chuyên khoa nam học;

    g) Phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt;

    h) Phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng;

    i) Phòng khám chuyên khoa mắt;

    k) Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ;

    l) Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng;

    m) Phòng khám chuyên khoa tâm thần;

    n) Phòng khám chuyên khoa ung bướu;

    o) Phòng khám chuyên khoa da liễu;

    p) Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền; Phòng chẩn trị y học cổ truyền;

    q) Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng;

    r) Phòng khám hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy;

    s) Phòng khám, điều trị HIV/AIDS;

    t) Phòng xét nghiệm;

    u) Phòng khám chẩn đoán hình ảnh, Phòng X-Quang;

    v) Phòng khám, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

    x) Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng;

    y) Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp;

    z) Phòng khám chuyên khoa khác.

    7. Cơ sở dịch vụ y tế bao gồm:

    a) Cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp;

    b) Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà;

    c) Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài;

    d) Cơ sở dịch vụ kính thuốc;

    đ) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ;

    e) Cơ sở dịch vụ y tế khác.

    Theo Khoản 6 và Khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Điểm a Khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP có quy định vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh:

    6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;

    b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;

    c) Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế;

    d) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh;

    đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

    e) Điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.

    7. Hình thức xử phạt bổ sung:

    a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này;

    b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 5 Điều này;

    c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này;

    d) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 và điểm c khoản 6 Điều này;

    đ) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách chuyên môn của cơ sở trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và các điểm b, e khoản 6 Điều này.

    Tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

    5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, thẩm mỹ viện là một cơ sở dịch vụ y tế hoặc là phòng khám chuyên khoa thuộc bệnh viện. Nếu như cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động thì thẩm mỹ viện sẽ bị xử phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

    Thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không?

    Tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác như sau:

    1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    a) Làm chết người;

    b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    a) Làm chết 02 người;

    b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Làm chết 03 người trở lên;

    b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Do đó, trong khoảng thời gian thẩm mỹ viện đó hoạt động mà có gây chết người hoặc làm tổn thất đến sức khỏe của khách hàng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Trân trọng!

    1