Vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình giảm nhẹ thì xác định mức phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Gần đây tôi có vi phạm một số quy định liên quan đến kinh doanh và bị phạt tiền ở dạng phạt vi phạm hành chính. Tôi được biết, đối với tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt của tôi sẽ giảm dầm xuống mức thấp nhất, với tình tiết tăng nặng thì mắc phạt sẽ được tăng dần lên mức cao nhất của khung phạt. Vậy trong trường hợp tôi vừa có tình tiết tăng nặng lại vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xác định mức phạt như thế nào ạ? Việc tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn cơ sở của tôi căn cứ thế nào ạ?
Nội dung chính
Vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình giảm nhẹ thì xác định mức phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Theo Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về việc phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này
Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:
Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
a) Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
b) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
Theo đó, trong trường hợp vi phạm hành chính mà có nhiều tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ thì sẽ thực hiện theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng và nếu có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
Vậy, mức phạt vi phạm hành chính của bạn khi có nhiều tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ sẽ được xác định theo nguyên tắc nói trên.
Quy định về xác định thời hạn đình chỉ hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính khi có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ?
Theo quy định Khoản 7 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về việc xác định thời hạn đình chỉ hoạt động đối với hành vi vi phạm hành chính khi có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:
a) Khi xác định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
b) Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ.
Vậy, khi bạn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn do vi phạm hành chính thì thời gian đình chỉ được xác định dựa vào nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng và có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung thời gian đình chỉ; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung thời gian đình chỉ.
Quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính trong một số trường hợp cụ thể?
Căn cứ Khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về lập và chuyển biên bản vi phạm hành chính như sau:
a) Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền;
b) Trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và các trường hợp cần thiết khác, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thể lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc.
Biên bản làm việc quy định tại các điểm a và b khoản này là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính;
c) Trường hợp phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thì địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
d) Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Trên đây là quy định của pháp luật về việc lập và chuyển biên bản vi phạm hành chính.
Trân trọng!