Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt trốn bị áp dụng hình phạt nào theo Bộ luật Hình sự 2015?

Trong trường hợp người bị bắt trốn thoát do thiếu trách nhiệm, những quy định nào của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ áp dụng để xử lý người thiếu trách nhiệm, và mức phạt ra sao?

Nội dung chính

    Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt trốn bị áp dụng hình phạt nào theo Bộ luật Hình sự 2015?

    Theo quy định tại Điều 376 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực 01/01/2018) thì:

    1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;

    b) Người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

    c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Làm vụ án bị đình chỉ;

    b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;

    c) Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn;

    d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;

    đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
    a) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
    b) Để 06 người trở lên bỏ trốn;
    c) Để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn.
    4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Dấu hiệu pháp lý của tội danh này:

    Khách thể:Tội phạm này xâm phạm hoạt động tư pháp

    Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Đó là những người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam mới là chủ thể của tội này.

    Mặt khách quan: Hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng trốn, dẫn đến hậu quả:

    - Làm vụ án bị tạm đình chỉ.

    - Người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.

    - Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

    Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

    Hình phạt tù cao nhất áp dụng đối với người phạm tội là 10 năm.

    1