Đền Phù Đổng ở đâu? Đất Đền Phù Đổng có phải là đất sử dụng ổn định lâu dài không?
Nội dung chính
Đền Phù Đổng ở đâu?
Phù Đổng là một vùng đất nổi tiếng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, nằm trong khu vực Kinh Bắc xưa. Nơi đây không chỉ được biết đến với những phong tục tập quán phong phú mà còn gắn liền với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Một trong những biểu tượng nổi bật của vùng đất này là người anh hùng làng Gióng, hay còn gọi là “Phù Đổng Thiên Vương.” Ông là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, luôn in đậm trong tâm thức người dân qua những câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ.
Đền Phù Đổng hay còn gọi là đền Thánh Gióng, tọa lạc tại xã Phù Đổng (làng Gióng), huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 17km về hướng Đông Bắc. Đây chính là quê hương của người anh hùng thần thoại, người đã đánh tan giặc ngoại xâm trong thời kỳ vua Hùng thứ 6.
Đền Phù Đổng không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là điểm đến tâm linh quan trọng, thu hút đông đảo du khách và người dân đến thăm viếng, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã có công bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, khu vực này còn mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình góp phần làm phong phú thêm văn hóa và lịch sử của dân tộc.
Đền Phù Đổng ở đâu? Đất Đền Phù Đổng có phải là đất sử dụng ổn định lâu dài không? (Hình ảnh từ Internet)
Đất Đền Phù Đổng thuộc nhóm đất nào?
Nhằm công nhận những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, vào ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTG, trong đó công nhận 14 di tích là di tích quốc gia đặc biệt. Đáng chú ý, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng, thuộc huyện Gia Lâm, cũng được vinh danh trong danh sách này. Quyết định này không chỉ tôn vinh giá trị của Đền Phù Đổng mà còn khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Phân loại đất
…
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác.
Bên cạnh đó, căn cứ thêm vào khoản 1 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định thì việc phân loại đất sẽ căn cứ vào mục đích sử dụng. Theo đó, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
Như vậy, do Đền Phù Đổng là di tích quốc gia đặc biệt nên đất Đền Phù Đổng là đất có di tích lịch sử văn hóa nên thuộc đất sử dụng vào mục đích công cộng. Do đó, khi căn cứ vào mục đích sử dụng thì đất Đền Phù Đổng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Đất Đền Phù Đổng có phải là đất sử dụng ổn định lâu dài không?
Căn cứ vào Điều 171 Luật Đất đai 2024 quy định về đất sử dụng ổn định lâu dài như sau:
Đất sử dụng ổn định lâu dài
1. Đất ở.
2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật này.
3. Đất rừng đặc dụng; đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất do tổ chức quản lý.
4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê.
5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 199 của Luật này.
6. Đất quốc phòng, an ninh.
7. Đất tín ngưỡng.
8. Đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
9. Đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh.
10. Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt.
11. Đất quy định tại khoản 3 Điều 173 và khoản 2 Điều 174 của Luật này.
Như vậy, theo quy định tại khoản 9 Điều 171 Luật Đất đai 2024 thì đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh thì là đất sử dụng ổn định lâu dài. Vậy nên, nếu đất có di tích lịch sử văn hóa được sử dụng không vì mục đích kinh doanh thì trường hợp đó đất có di tích lịch sử văn hóa mới là đất sử dụng ổn định lâu dài. Còn nếu đất có di tích lịch sử văn hóa được sử dụng có mục đích kinh doanh thì đất có di tích lịch sử văn hóa không thuộc trường hợp đất sử dụng ổn định lâu dài.
Ở đây, Đền Phù Đổng mở cửa để nhân dân vào cúng bái, tưởng niệm về người anh hùng Thánh Gióng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi từ buổi bình minh của lịch sử.. Như vậy, có thể thấy, đất Đền Phù Đổng là đất có di tích lịch sử văn hóa được sử dụng không vì mục đích kinh doanh. Do đó, đất Đền Phù Đổng thuộc trường hợp đất sử dụng ổn định lâu dài.