Có các hình thức giải thưởng về chất lượng công trình nào?

Có các hình thức giải thưởng về chất lượng công trình nào? Có quy định về thời hạn của giải thưởng chất lượng công trình khi dùng làm căn cứ xét ưu tiên cho nhà thầu không?

Nội dung chính

    Có các hình thức giải thưởng về chất lượng công trình nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định:

    Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng
    1. Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng bao gồm các hình thức sau:
    a) Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình xây dựng;
    b) Giải thưởng công trình xây dựng chất lượng cao và các giải thưởng chất lượng khác.
    ...

    Như vậy, giải thưởng chất lượng công trình gồm hai hình thức sau:

    - Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình xây dựng;

    - Giải thưởng công trình xây dựng chất lượng cao và các giải thưởng chất lượng khác.

    Có các hình thức giải thưởng về chất lượng công trình nào?Có các hình thức giải thưởng về chất lượng công trình nào? (Ảnh từ Internet)

    Có quy định thời hạn của giải thưởng về chất lượng công trình khi dùng làm căn cứ xét ưu tiên cho nhà thầu không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định:

    Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng
    ...
    2. Các nhà thầu đạt giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng quy định tại khoản 1 Điều này được xem xét ưu tiên khi tham gia đấu thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Giải thưởng được làm căn cứ để xem xét ưu tiên cho nhà thầu là các giải thưởng mà nhà thầu đạt được trong thời gian 3 năm gần nhất tính đến khi đăng ký tham gia dự thầu. Chủ đầu tư có trách nhiệm quy định nội dung nêu trên trong hồ sơ mời thầu.
    ...

    Như vậy, giải thưởng được làm căn cứ để xem xét ưu tiên cho nhà thầu là các giải thưởng mà nhà thầu đạt được trong thời gian 3 năm gần nhất tính đến khi đăng ký tham gia dự thầu.

    Chủ đầu tư trong hoạt động xây dựng được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 7 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:

    Chủ đầu tư
    1. Chủ đầu tư được xác định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi phê duyệt dự án hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
    2. Căn cứ nguồn vốn sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng, việc xác định chủ đầu tư được quy định như sau:
    a) Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc xác định chủ đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và pháp luật về đầu tư công;
    b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng;
    c) Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP), chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án PPP được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
    d) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn khác) mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan;
    đ) Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân bỏ vốn để đầu tư xây dựng.
    3. Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư. Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư.
    4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật, người quyết định đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, chủ đầu tư trong hoạt động xây dựng được quy định như trên.

    Có các chính sách khuyến khích nào trong hoạt động đầu tư xây dựng?

    Căn cứ Điều 10 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thi có các chính sách khuyến khích nào trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:

    - Khuyến khích đầu tư xây dựng để bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; xây dựng nhà ở xã hội; và đầu tư theo quy hoạch ở miền núi, hải đảo, vùng kinh tế khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

    - Đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, khuyến khích tham gia đầu tư, và ưu tiên cho nhà thầu đạt giải thưởng chất lượng công trình khi tham gia đấu thầu.

    - Chuyển giao dần một số dịch vụ công trong đầu tư xây dựng từ cơ quan nhà nước cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có đủ điều kiện.

    - Khuyến khích nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin, phát triển công trình tiết kiệm năng lượng, đô thị sinh thái và đô thị thông minh, nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

    24