Xét tặng Giấy khen của Bộ Nội vụ phải đáp ứng tiêu chuẩn gì?
Nội dung chính
Để được xét tặng Giấy khen của Bộ Nội vụ phải đáp ứng tiêu chuẩn gì?
Tại Điều 7 Thông tư 15/2023/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giấy khen của Bộ Nội vụ như sau:
Tiêu chuẩn xét tặng Giấy khen đối với cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
- Có phẩm chất đạo đức tốt; giữ gìn đoàn kết nội bộ; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nội quy, Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; tích cực tham gia các phong trào thi đua do cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và phát động.
- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tiêu chuẩn xét tặng Giấy khen đối với tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
- Nội bộ đoàn kết, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua.
- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với các thành viên trong tập thể.
Để được xét tặng Giấy khen của Bộ Nội vụ phải đáp ứng tiêu chuẩn gì? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Bằng khen của Bộ Nội vụ là gì?
Tại Điều 6 Thông tư 15/2023/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định về tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Bằng khen của Bộ Nội vụ như sau:
Tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Bằng khen của Bộ Nội vụ
Bằng khen của Bộ Nội vụ để tặng hoặc truy tặng cho tập thể và cá nhân đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.
Như vậy, tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Bằng khen của Bộ Nội vụ bao gồm:
(1) Cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn:
+ Có thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh phát động;
+ Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ban, ngành, tỉnh;
+ Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
+ Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;
+ Công nhân, nông dân, người lao động lập được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
(2) Bằng khen để tặng hoặc truy tặng cho doanh nhân, trí thức, nhà khoa học chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Đạt một trong các tiêu chuẩn tại mục (1) hoặc
- Có thành tích đóng góp vào sự phát triển của Bộ Nội vụ được Bộ công nhận.
(3) Bằng khen để tặng cho tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn:
- Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua;
- Lập được thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ban, ngành, tỉnh;
- Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
- Có 02 năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng”, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua;
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
(4) Bằng khen để tặng cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Đạt một trong các tiêu chuẩn tại mục (3) hoặc có thành tích đóng góp vào sự phát triển của Bộ, ban, ngành, địa phương được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.
(5) Bằng khen để tặng cho hộ gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội.
Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua gồm có giấy tờ gì?
Tại khoản 1 Điều 84 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định về thành phần hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua như sau:
Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua gồm:
a) Tờ trình đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua;
b) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
c) Biên bản bình xét thi đua;
d) Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với sáng kiến, đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ trong trường hợp đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
2. Hồ sơ đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng gồm:
a) Tờ trình đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng;
b) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
c) Biên bản xét khen thưởng;
d) Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong lao động, công tác, sản xuất, kinh doanh, học tập và nghiên cứu khoa học hoặc lĩnh vực khác; đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo; phát minh, sáng chế, sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hoặc tác phẩm, công trình khoa học và công nghệ.
3. Trường hợp đề nghị tặng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” thì trong hồ sơ phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
...
Như vậy, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua gồm:
- Tờ trình đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua;
- Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
- Biên bản bình xét thi đua;
- Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với sáng kiến, đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ trong trường hợp đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.