Hướng dẫn chuyển đổi mã mức hưởng BHYT theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP tại TP.HCM?
Nội dung chính
Hướng dẫn chuyển đổi mã mức hưởng BHYT theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP tại TP HCM?
Ngày 06/11/2023, Bảo hiểm xã hội TPHCM ban hành Công văn 6394/NHXH-TST năm 2023 triển khai Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi một số quy định chi tiết về bảo hiểm y tế.
Theo đó, đối với trường hợp chuyển đổi mã mức hưởng BHYT theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP: cơ quan BHXH đã tự động cập nhật dữ liệu mã hưởng BHYT nhưng không cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia.
Người tham gia sử dụng ứng dụng VSSID để kiểm tra quyền lợi BHYT được hưởng theo quy định trên và sử dụng thẻ BHYT cũ hoặc CCCD có gắn chip để đi khám, chữa bệnh, cụ thể:
- Đổi mã mức hưởng BHYT từ 80% sang 100% đối với người tham gia kháng chiến và bảo vệ tổ quốc (có mã đối tượng là KC).
- Đổi mã mức hưởng BHYT từ 80% sang 95% đối với người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình.
Ngoài ra, đối với trường hợp bổ sung mã đối tượng và mã hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT đối với người tham gia BHYT mới được quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP và Nghị định 131/2021/NĐ-CP:
Cơ quan quản lý đối tượng khẩn trương phối hợp với cơ quan BHXH kiểm tra, rà soát, lập danh sách đề cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được bổ sung tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP, cụ thể:
- Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vơ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng: mã đối tượng ký hiệu là TG và mã hưởng ký hiệu bằng số 3.
- Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú: mã đối tượng ký hiệu là AK và mã hưởng ký hiệu bằng số 2.
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các địa bàn xã khu vực 2, khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các khu vực 2, khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: mã đối tượng ký hiệu là DS và mã hưởng ký hiệu bằng số 3.
Đối với các đối tượng đang tham gia BHYT bắt buộc tại nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng và nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng nhưng thuộc 02 đối tượng trên thì đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý đối tượng hướng dẫn người tham gia nộp đầy đủ thành phần hồ sơ theo phiếu giao nhận hồ sơ 613 để được cơ quan BHXH điều chỉnh mã hưởng BHYT theo đúng quy định.
Hướng dẫn chuyển đổi mã mức hưởng BHYT theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP tại TP HCM? (Hình từ Internet)
Người lao động phải đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bao nhiêu?
Tại khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cụ thể như:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
....
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
1. Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
a) Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
...
Như vậy, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của người lao động hiện nay là 4,5% tiền lương tháng
Trong đó:
- Người lao động đóng 1/3 tương đương 1,5% tiền lương tháng
- Người sử dụng đóng 2/3 tương đương 3% tiền lương tháng
Trong trường hợp nào không được hưởng bảo hiểm y tế?
Tại Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định về không được hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau:
- Chi phí mà người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả đã được ngân sách nhà nước chi trả.
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
- Khám sức khỏe.
- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.
- Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.
- Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.
- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.