15:43 - 20/09/2024

Hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi tham nhũng?

Cho tôi hỏi hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi tham nhũng được quy định như thế nào?

Nội dung chính


    Công chức không được làm những việc nào?

    Tại Mục 4 Chương 2 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định những việc công chức không được làm như sau:

    (1) Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ được quy định tại Điều 18 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:

    - Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

    - Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.

    - Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

    - Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

    (2) Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước quy định tại Điều 19 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:

    - Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.

    - Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.

    - Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng.

    (3) Những việc khác cán bộ, công chức không được làm quy định tại Điều 20 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:

    Cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

     Hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi tham nhũng được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Những hành vi nào là hành vi tham nhũng?

    Tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định các hành vi tham nhũng, bao gồm:

    (1) Thực hiện trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

    - Tham ô tài sản;

    - Nhận hối lộ;

    - Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

    - Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

    - Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

    - Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

    - Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

    - Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

    (2) Thực hiện trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

    - Tham ô tài sản;

    - Nhận hối lộ;

    - Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

    Hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi tham nhũng được quy định như thế nào?

    Căn cứ khoản 4 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức:

    Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức

    Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    ...

    4. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

    ...

    Căn cứ khoản 1 khoản 2 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức:

    Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức

    Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định tại Điều 8 Nghị định này mà tái phạm;

    2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;

    ...

    Căn cứ Điều 10 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

    Áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

    Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;

    2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này.

     

    Căn cứ Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức:

    Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức

    Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;

    2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;

    ...

    Như vậy, công chức có hành vi tham nhũng bị xử lý như sau:

    (1) Khiển trách trong trường hợp:

    - Công chức có hành vi tham nhũng nhưng vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng.

    (2) Cảnh cáo trong trường hợp:

    - Công chức có hành vi tham nhũng nhưng đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

    - Công chức có hành vi tham nhũng lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng;

    (3) Hạ bậc lương trong trường hợp:

    - Công chức có hành vi tham nhũng nhưng đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo;

    - Công chức có hành vi tham nhũng lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng;

    (4) Buộc thôi việc trong trường hợp:

    - Công chức có hành vi tham nhũng nhưng đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương;

    - Công chức có hành vi tham nhũng lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

    4