Đổi mới chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng để nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở như thế nào?
Nội dung chính
Đổi mới chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng để nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở?
Tại Mục 4 Chỉ thị 25-CT/TW năm 2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ đạo về chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng đối với nhân lực y tế cơ sở. Cụ thể như sau:
4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở; có chính sách đào tạo đặc thù cho khu vực khó khăn; phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.
Như vậy, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở thì Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phải đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ y tế cơ sở.
Đổi mới chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng để nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở? (Hình từ Internet)
Thời gian nào không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế?
Tại Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC có quy định về thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế như sau:
(1) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và các đối tượng hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên hưởng sinh hoạt phí do Nhà nước đài thọ hoặc hưởng lương, hưởng sinh hoạt phí do nước ngoài, tổ chức quốc tế đài thọ.
(2) Thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn y tế theo nhiệm vụ được phân công đối với công chức, viên chức;
(3) Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;
(4) Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
(5) Thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế từ 1 tháng trở lên.
(6) Thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, làm việc không trực tiếp làm chuyên môn y tế liên tục từ 1 tháng trở lên.
Mức phụ cấp ưu đãi của công chức, viên chức y tế được xác định như thế nào nếu thuộc đối tượng được hưởng các mức phụ cấp ưu đãi theo nghề khác nhau?
Tại Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC có quy định về nguyên tắc áp dụng và cách tính phụ cấp như sau:
Nguyên tắc áp dụng
1. Trường hợp công chức, viên chức chuyên môn y tế thuộc đối tượng được hưởng các mức phụ cấp ưu đãi theo nghề khác nhau thì được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất.
2. Công chức, viên chức đã hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư liên tịch này.
Như vậy, nếu công chức, viên chức y tế thuộc đối tượng được hưởng các mức phụ cấp ưu đãi theo nghề khác nhau thì sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất.