Các yêu cầu để thành lập đơn vị sự nghiệp trong ngành tư pháp là gì theo quy định?
Nội dung chính
Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp trong ngành, lĩnh vực tư pháp là gì?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 07/2022/TT-BTP (Có hiệu lực từ 19/12/2022) quy định về điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp trong ngành, lĩnh vực tư pháp như sau:
- Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực tư pháp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
- Ngoài các điều kiện chung quy định tại khoản 1 Điều này, việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Các yêu cầu để thành lập đơn vị sự nghiệp trong ngành tư pháp là gì theo quy định? (Hình từ Internet)
Điều kiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp như thế nào?
Theo Điều 8 Thông tư 07/2022/TT-BTP (Có hiệu lực từ 19/12/2022) quy định về điều kiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp như sau:
- Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
- Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau quá trình sáp nhập, hợp nhất phải đáp ứng đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 7 Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực tư pháp ra sao?
Tại Điều 9 Thông tư 07/2022/TT-BTP (Có hiệu lực từ 19/12/2022) quy định về điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực tư pháp như sau:
- Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và các điều kiện giải thể khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện giải thể sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các nghĩa vụ khác có liên quan và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.
Phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ như thế nào?
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 07/2022/TT-BTP (Có hiệu lực từ 19/12/2022) quy định về phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ như sau:
- Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngành, lĩnh vực tư pháp;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng xây dựng, quản lý, khai thác thông tin, hỗ trợ pháp luật;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các chức năng khác phục vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công
+ Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp theo danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này.
Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.